9/4/16

Dự án Gateway Thảo Điền, Q.2, TP.HCM: Chưa đền bù xong đã thi công ??

Sơn Kim Land thi công dự án Gateway Thảo Điền trên đất chưa giải quyết xong việc đền bù, giải tỏa, không làm theo cam kết với cơ quan chức năng, thi công dự án làm ảnh hưởng vệ sinh, đường sá... Thậm chí, UBND P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM có văn bản kiến nghị đình chỉ thi công nhưng dự án vẫn được triển khai và đã bán hết 70% căn hộ.

Sơn Kim Land được chính quyền “ưu ái”?


Công ty cổ phần Bất động sản Sơn Kim (Sơn Kim Land) là chủ đầu tư dự án Khu liên hợp cao ốc trung tâm thương mại - văn phòng và căn hộ tại Q.2 (Dự án Gateway Thảo Điền). Trong lúc người dân đang chờ doanh nghiệp thỏa thuận đền bù thì ngày 5.10.2010, UBND Q.2 ra quyết định 13672/QĐ-UBND-TNMT về việc thu hồi đất của bà Nguyễn Thị Trường, giao cho Sơn Kim land làm dự án.

Không đồng tình, gia đình bà Nguyễn Thị Trường (gồm 9 hộ dân chia tách) đồng lên tiếng đề nghị quận hủy quyết định này, nhưng Q.2 khẳng định đây là dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất và bác đơn khiếu nại của gia đình bà. Năm 2010, UBND Q.2 tiếp tục ban hành các quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất sau đó tiến hành cưỡng chế. Người dân cho rằng dự án này là dự án kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, dẫn đến khiếu nại kéo dài.

Với diện tích 675,7m2 đất của 9 hộ dân tranh chấp, khiếu nại suốt thời gian dài, mới đây, cơ quan chức năng đã ra phương án, Sơn Kim Land phải thỏa thuận đền bù với người dân theo giá thị trường. Tính đến cuối năm 2015, công ty này đưa ra mức giá tối đa họ có thể đền bù là 15 triệu đồng/m2. Trong buổi cung cấp thông tin cho báo chí mới đây, Sơn Kim Land cho biết hiện đã nâng mức giá đền bù lên 38.000.000 đồng/m2. Tuy nhiên, tiếp xúc với phóng viên, người dân cho biết, chưa hề được Sơn Kim Land ngồi lại cùng nhau thương lượng và đề nghị mức giá đền bù 38 triệu đồng/m2 như thông tin Sơn Kim Land cung cấp cho báo chí.

Ngoài ra, theo Quyết định 147/QĐ-SXD-PTN ngày 1.9.2009 thì Sơn Kim Land phải hoàn tất thủ tục về quyền sử dụng đất, xây dựng đường Lê Thước nối dài ra Xa Lộ Hà Nội để không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân... Thực tế, đường Lê Thước chưa xây xong, chủ đầu tư đã rào đường làm dự án. Phía Sơn Kim Land cho biết, theo cam kết của đơn vị này tại Văn bản số 48/2009/CV-BĐSSK, toàn bộ kinh phí đền bù và đầu tư công ty Sơn Kim chịu trách nhiệm chi trả. Tuy nhiên, vì đây là con đường thông hành địa dịch do Nhà nước trực tiếp quản lý, nên UBND Q.2 giao cho UBND P.Thảo Điền làm chủ đầu tư. Trách nhiệm của Công ty Sơn Kim là hỗ trợ kinh phí đền bù và đầu tư xây lắp. Hiện nay, phương án này đang được UBND P.Thảo Điền và các ban ngành liên quan khẩn trương thực hiện. Theo giải thích này của Sơn Kim Land, có thể hiểu đến nay con đường Lê Thước vẫn chưa thể xây dựng xong theo Quyết định 147 là do chính quyền chậm trễ (!?).

Chưa thỏa thuận đền bù xong vẫn được bán?

Trước cơn bão “tai tiếng”, Sơn Kim Land vẫn kịp giới thiệu dự án ra thị trường, hiện chủ đầu tư cho biết hiện rất nhiều căn hộ tại dự án đã được bán.

Sơn Kim Land cho biết, ngày 3.2, UBND TP.HCM có Quyết định số 412/QĐ-UBND về duyệt phương án xác định giá đất cụ thể đối với khu đất 10.943,7m2, để Sơn Kim Land thực hiện nghĩa vụ tài chính, khi sử dụng đất xây dựng dự án Gateway Thảo Điền. Hiện công ty này đã nộp giá trị quyền sử dụng đất của dự án là 120,6 tỉ đồng, tính trên diện tích giao đất có thu tiền sử dụng đất là 5.742,8m2 với giá đất 21 triệu đồng/m2.

Mới đây, ngày 9.3, Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản khẳng định, Sơn Kim Land đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai, đối với 206 căn hộ, khối nhà B, dự án Gateway Thảo Điền, theo Điều 55 Luật Kinh doanh Bất động sản và Nghị định 99/2015/NĐ-CP. Sơn Kim Land cũng xác nhận hiện dự án Gateway Thảo Điền đã được phép ký hợp đồng mua bán đối với hai tòa nhà Aspen (khối A) và Madison (khối B) theo Công Văn số 2198/SXD-PTN&TTBĐS ngày 5.2.2016 và Công Văn số 3594/SXD-PTN&TTBĐS ngày 9.3.2016 của Sở Xây dựng TP.HCM.

Như vậy, dự án Gateway Thảo Điền sau nhiều năm tranh chấp, liên quan đến việc đền bù giải tỏa, đã được Sở Xây dựng TP.HCM cho phép bán nhà. Trong khi đó, Luật kinh doanh bất động sản 2014 quy định điều kiện của một bất động sản đưa vào kinh doanh “không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất”. Đây là trường hợp hiếm hoi trên thị trường, khi dự án được bán dù việc đền bù giải tỏa vẫn chưa thỏa thuận xong.

Cơ quan chức năng ở đâu khi dự án Gateway Thảo Điền của Sơn Kim Land bắt đầu khởi công bất chấp những khiếu nại chính đáng của người dân? Trước thực tế trên, dư luận cũng như người dân trong khu vực dự án Gateway Thảo Điền không khỏi hoài nghi: Vì sao cơ quan chức năng vẫn cho phép Sơn Kim Land “vừa xây, vừa bán vừa thỏa thuận đền bù với dân” bất chấp việc đơn vị này liên tiếp bị “tố” những vi phạm?

Sơn Kim Land đã làm hết cách mà người dân không hợp tác !

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Sơn Kim Land cho biết đã chuyển hơn 25 tỉ đồng vào tài khoản Ban bồi thường và giải phóng mặt bằng Q.2. Đây là số tiền đơn vị này đền bù cho diện tích 675,7m2 đất của 9 hộ dân tranh chấp, tương đường mức 38 triệu đồng/m2. Bà Nguyễn Thụy Bảo - Trưởng Phòng Pháp lý Cty cổ phần bất động sản Sơn Kim - cho biết hiện dự án đã thỏa thuận đền bù xong 95% diện tích, chỉ còn 5% là không thỏa thuận được về giá do người dân không hợp tác mà chỉ muốn giữ lại đất để đầu tư dự án để kinh doanh.

Theo bà Thụy Bảo, chỉ vì một hộ bà Nguyễn Thị Trường mà dự án đã bị ách tắc 7-8 năm từ khi triển khai đến nay vẫn còn bị vướng giải tỏa. Cty Sơn Kim đã rất thiện chí ngồi lại bàn bạc với bà Trường nhưng những người thân trong gia đình bà có nhiều ý kiến khác nhau. Người thì đòi Cty đền bù 200 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp, người đòi 100 triệu đồng, người kia đòi 80 triệu đồng/m2 trong khi đất của gia đình bàn Trường là đất nông nghiệp, theo quy định về khung giá đền bù đất nông nghiệp của TP.HCM chỉ là 2,5 triệu đồng/m2. Cty Sơn Kim đã hỗ trợ về giá bồi thường là 38 triệu đồng/m2 theo giá thị trường nhưng gia đình bà Trường vẫn khăng khăng không chịu. Cty Sơn Kim không biết phải làm như thế nào để thỏa mãn đòi hỏi của bà Trường.


Giải thích về việc con đường Lê Thước làm mãi không xong, bà Thụy Bảo cho rằng chậm trễ không phải do ý chí của Cty Sơn Kim, thực tế Sơn Kim đã thi công gần hết con đường, chỉ còn một đoạn ngắn vướng đất của gia đình bà Trường nên không thể tiếp tục vì họ không hợp tác.

(Theo laodong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét