13/4/16

"Nổi sóng" văn phòng cho thuê

Trong bối cảnh phân khúc chung cư thương mại, liền kề để bán liên tục đón nhận những dự án mới thành hình, thị phần cho thuê, bao gồm cả chung cư lẫn nhà phố, ghi nhận nhiều dấu hiệu “nóng” từng ngày. Bên cạnh sự đua tranh gay gắt về giá trị– chất lượng – lợi ích kinh doanh do nguồn cung hiện hữu chưa ghi nhận đột biến, thanh khoản đang gia tăng trước sức cầu lên cao.

Nếu “sức khỏe” của BĐS cho thuê (chỉ phục vụ nhu cầu ở) thường xuyên ở trạng thái tốt, thì sản phẩm cho thuê văn phòng (bao gồm cả showroom trưng bày) đến nay mới dần trở nên đắt giá. Nguyên nhân, theo một số đơn vị tư vấn ngoại, là do hiệu ứng tích cực từ các hiệp định tự do thương mại, đầu tư “ngoại”…
“Săn” ba tháng vẫn…trượt
Với nhiều chỉ báo mới đây về dịch chuyển dòng chảy đầu tư từ khu vực lẫn thế giới về thị trường Việt Nam, không ít bản báo cáo của các nhà tư vấn ngoại quốc đã ít nhiều nhắc tới tiềm năng tích cực của phân khúc bán lẻ lẫn cho thuê trong tương lai gần.
Thực tế, qua tìm hiểu ở một số thương vụ thuê chung cư, nhà mặt đất làm văn phòng công ty, đại lý cửa hàng kết hợp trụ sở chi nhánh DN, khoảng thời gian hai tháng gần nhất cho thấy trạng thái “khan hàng” ở phân khúc này.
Điển hình là trường hợp của anh Nguyễn Hải, kỹ sư dân dụng hiện đang công tác tại một công ty chuyên nhận các hợp đồng lắp đặt nội thất, set-up văn phòng cho đối tác ngoại.
Thông qua một số môi giới nhà đất, anh Hải yêu cầu muốn thuê một mặt bằng kinh doanh làm văn phòng kiêm showroom trưng bày đồ nội ngoại thất ở khu vực quận Cầu Giấy.
“Tôi đã đặt vấn đề với sàn giao dịch về chi tiết mặt bằng muốn thuê như diện tích tối thiểu 150m2, có chỗ để xe an toàn, không quan tâm tới hướng (!) Giá thuê kỳ vọng 2.000 USD/tháng. Tuy nhiên, sau gần ba tháng mà công ty tôi vẫn tiếp tục chờ đợi môi giới vì lý do… quá khan nguồn cung” – người này cho biết.
Về phía lực lượng trung gian chuyên làm thị phần cho thuê, nguyên nhân về nguồn sản phẩm eo hẹp cũng được nhắc tới. Nhà môi giới Phạm Anh, chuyên viên kinh doanh của một văn phòng nhà đất tại trung tâm quận Thanh Xuân, tiếc nuối về một thương vụ “hụt” đầu tháng 4.
Cụ thể, với “đơn hàng” 130m2 mặt sàn (ngăn vách để làm phòng làm việc của chi nhánh đại diện, còn lại để đặt mẫu sản phẩm chăn ga gối đệm), ưu tiên quận Thanh Xuân – Đống Đa, môi giới đã “khớp” khách đến từ Hàn Quốc với chủ nhân ngôi nhà 2,5 tầng ở khu Thái Thịnh – Láng. Thậm chí, khách đã đặt cọc 5 triệu đồng để giữ chỗ.
Tuy nhiên, tới phút cuối, chủ nhà chấp nhận bị phạt cọc để “đánh tháo”. Hỏi ra mới biết, BĐS đã được cho một chi nhánh ngân hàng thuê với giá cao hơn một triệu đồng/tháng. Điều quan trọng là tâm lý của chủ sở hữu BĐS: Cho ngân hàng thuê sẽ…yên tâm hơn về độ ổn định và không lo các vấn đề về tài chính, pháp lý (?!)
Gian nan tìm hàng, “chăm” khách
Tổng kết gần nhất của một số trung tâm văn phòng nhà đất đều thừa nhận, nguồn khách “ngoại” tìm thuê mặt bằng đang nhích lên trông thấy so với thời điểm quý IV/2015. Đặc biệt, về chất lượng khách hàng, khả năng “chịu chi” cũng tăng đáng kể – song hành với đòi hỏi về BĐS mục tiêu.
Dẫn chứng một khách hàng DN đến từ Nhật Bản, môi giới Huy, sàn giao dịch ở khu vực Nguyễn Thị Định – Hoàng Ngân – Lê Văn Lương, kể về yêu cầu rất khắt khe của “Thượng đế”.
Cơ bản, đặt “đề bài” về mặt bằng (không thuê chung cư, căn hộ dịch vụ) rộng ngót 200m2, chấp nhận hai mặt sàn, đại diện DN đề nghị môi giới tìm được BĐS thuê có lối đi riêng, nơi để xe riêng biệt cho khách hàng của công ty này lẫn có… khoảng xanh phía trước.
“Người thuê chấp nhận trả giá tới 40 triệu đồng/tháng. Thấy quá hấp dẫn, nên tôi đã bỏ tất cả giao dịch nhỏ khác để tập trung vào đơn hàng này. Nào ngờ, tìm suốt hai tuần mà không được sản phẩm nào đáp ứng. Nếu là quý IV/2015 thì chắc chắn sẽ xong giao dịch trong… một tuần” – Huy thở dài tiếc nuối.
May mắn hơn, Mai – môi giới từng làm việc cho một số đơn vị trung gian BĐS có quy mô, ảnh hưởng lớn nhất tại thị trường Hà Nội, đã “khớp khách” thành công căn nhà ba tầng ở trung tâm quận Cầu Giấy với giá thuê 35 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, để “chiều” khách và giữ mối quan hệ, môi giới chấp nhận chỉ nhận phí dịch vụ ban đầu là 1/2 tháng tiền thuê (dù khách ký hợp đồng một năm.
“Chủ nhà cương quyết chỉ chi trả nốt phần phí còn lại khi khách đóng tiền 6 tháng còn lại với lý do… buộc môi giới phải có trách nhiệm. Điều này thường không xảy ra trước đây. Nhưng vì mới đây có yêu cầu về môi giới phải có thẻ hành nghề nên nhiều gia chủ tranh thủ… ép ngược môi giới”. Cũng phải chấp nhận vì lỗi thuộc về mình (chưa có chứng chỉ hành nghề). Đúng là nghề làm dâu trăm họ” – môi giới than thở.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét